Dầu gội là một trong những mặt hàng mỹ phẩm bán chạy nhất thế giới, được sử dụng gần như hàng ngày. Dầu gội không chỉ dùng để làm sạch tóc và da đầu mà còn ảnh hưởng đến sợi tóc, làm thay đổi độ sáng bóng, sự bồng bềnh và suôn mượt. Thông qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, các nhà bào chế đã phát hiện những yếu tố như nồng độ và chất lượng chất diện hoạt, việc sử dụng các hợp chất chống tĩnh điện và tạo độ bóng mượt hay pH sau cùng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả trong quá trình sử dụng.
Chất diện hoạt
Chất diện hoạt là những phân tử vừa thân dầu vừa thân nước. Đuôi thân dầu liên kết với dầu mỡ và phần không tan trong nước có trên tóc. Trong khi đầu thân nước gắn kết với nước. Nhờ vậy mà có thể kéo bụi bẩn ra khỏi tóc và rửa trôi chúng theo dòng nước. Khi chất diện hoạt tiếp xúc với nước, cấu trúc micelle được hình thành với đuôi thân dầu hướng vào trong và đầu thân nước hướng ra ngoài. Quá trình micelle hóa giúp dầu gội có được sự liên kết đủ mạnh với hệ tóc-nước, giúp quá trình rửa trôi trở nên dễ dàng hơn.
Tùy theo điện tích, có thể chia chất diện hoạt thành 4 nhóm: anionic, cationic, amphoteric và nonionic. Diện hoạt anionic là loại thường được sử dụng nhất trong các sản phẩm làm sạch, điển hình là natri lauryl sulfate, ammonium lauryl sulfate và natri lauryl ether sulfate. Chất diện hoạt cationic, amphoteric và nonionic thường được thêm vào dầu gội để giảm tương tác tĩnh điện và tính kích ứng có thể gây ra do diện hoạt anionic. Nhờ vào điện tích dương trong phân tử, diện hoạt cationic có thể bám vào sợi tóc mang điện tích âm, giảm khô xơ. Thêm vào đó, những thành phần này có thể tăng cường tạo bọt và ảnh hưởng đến thể chất sau cùng của sản phẩm. Sự trung hòa điện tích trên tóc sau khi sử dụng dầu gội phản ánh sự cân bằng điện tích âm và dương trong quá trình loại bỏ dầu nhờn và bụi bẩn. Điện tích âm của sợi tóc đẩy cực âm của micelle giúp cho bụi bẩn bị rửa trôi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điện tích âm của sợi tóc tăng dần, phức hợp bền vững liên kết với keratin cũng được hình thành. Phần điện tích thừa này làm cho các sợi tóc đẩy lẫn nhau, dù đã có những thành phần mang điện dương để trung hòa nhưng cũng gây ảnh hưởng không ít đến pH của sản phẩm.
pH
pH là chỉ số thể hiện tính acid, kiềm hay trung tính trong một môi trường cho trước, thang đo từ 1 đến 14. Hợp chất có pH < 7,0 có tính acid; bằng 7,0 là trung tính; > 7,0 có tính kiềm. Giá trị pH mà ở đó một phân tử protein hay một tiểu phân có điện tích âm và dương cân bằng nhau gọi là điểm trung hòa, tại điểm mà phân tử hay tiểu phân không di chuyển khi đặt trong điện trường gọi là điểm đẳng điện. Điểm đẳng điện của tóc khoảng 3,67, trong khi điểm trung hòa là khoảng 5,6. Tóc đạt trạng thái trung hòa khi pH ở gần điểm đẳng điện. Với tóc bạc, điểm đẳng điện sẽ thấp hơn bình thường.
Chất béo tự do có chứa acid béo là thành phần quan trọng với bề mặt tóc vì chúng quyết định sự hấp thu chất diện hoạt và những thành phần khác. Thời gian gội đầu càng lâu, càng nhiều chất béo tự do bị tích tụ, từ đó làm giảm điểm đẳng điện của tóc. Bất kỳ sản phẩm nào sử dụng trên tóc có pH cao hơn 3,67 đều làm tăng tương tác tĩnh điện và sự đẩy nhau của các sợi tóc. Bề mặt sợi tóc sẽ tích điện âm do có điểm đẳng điện thấp.
Nước có pH gần 7,0, vì vậy khi rửa tóc với nước, điện tích âm tiếp tục tăng lên làm sợi tóc trở nên khó chải hơn và bị bết dính. Thêm vào đó, ở pH kiềm, tóc tăng khả năng hấp thụ nước, nước thấm qua lớp cutin, làm ướt sợi tóc và phá vỡ liên kết hydro của phân tử keratin. Keratin là phân tử dạng xoắn ốc duy trì hình dạng nhờ các liên kết hydro, disulfid, ion và lực hút Van der Waals. Nước tạo phản ứng thủy phân, làm đứt gãy tạm thời các liên kết hydro và khiến phân tử keratin trở nên dễ uốn hơn, từ đó làm cho sợi tóc trở nên giòn và dễ rụng. Tóc ướt khi bị biến dạng sẽ không trở về hình dạng ban đầu của chúng nữa.
pH của da đầu tầm khoảng 5,5, có tính kiềm hơn so với sợi tóc. Hiện nay vẫn chưa có yêu cầu rõ rệt nào quy định về pH của dầu gội nhưng theo khảo sát, 75% sản phẩm dùng cho tóc có pH tối ưu là 5,5 hoặc thấp hơn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy pH dầu gội trên 5,5 có thể tăng độ bết rít của tóc, dẫn đến hư tổn, gãy rụng và khó vào nếp. Các chuyên gia thường không khuyến khích sử dụng dầu xả, vì vậy cần thêm tác nhân cationic và tạo độ bóng vào dầu gội để tóc đạt trạng thái tốt nhất.
pH là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe của tóc. Dầu gội với pH trên 5,5 có thể gây kích ứng da đầu và tăng cường bết dính, nhưng các tác nhân cationic được thêm vào sẽ giúp làm giảm các tác động bất lợi này.